VIETNAM FRANCHISE… thông tin về nhượng quyền (Franchise Information)

  • Tôi sinh ra ở nông thôn. Ông bà tôi là nông dân…

  • Thăm dò ý kiến về pháp luật nhượng quyền Việt Nam

  • Attending a Workshop at Melbourne Law School, December 2010

  • 12th Westlake International Conference on SMB, China, October 2010

  • International Society of Franchising (USA), 24th Conference, June 2010

  • LAWASIA Annual Conference, November 2009

  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP

    • 87 685 hits

Hợp đồng nhượng quyền thương mại quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam

Posted by Nguyen Ba Binh trên 15.02.2010

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN

THƯƠNG MẠI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI DƯỚI GIÁC ĐỘ PHÁP LUẬT VIỆT NAM[1]

(International franchising agreements under Vietnam’s Law)

(Bài viết đăng trong Tạp chí luật học – ĐH Luật HN số tháng 5/2008)


“Cũ người mới ta” – khi câu chuyện về licensing (hợp đồng li-xăng), rồi chuyển giao công nghệ đã dần trở nên quen thuộc với Việt Nam thì vài ba năm lại đây giới thương nhân, những nhà nghiên cứu luật học, kinh tế học lại sôi nổi luận bàn về nhượng quyền thương mại (Franchising) – được coi như “người anh em” của hai hoạt động nói trên[2]. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc nhận quyền thương mại từ các doanh nghiệp – những thương hiệu mạnh của nước ngoài đã, đang và chắc hẳn vẫn còn là một xu hướng chủ đạo. Một vài doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã và sẽ dùng nhượng quyền thương mại như một công cụ hữu dụng để mở đường ra thế giới. Đặt trong bối cảnh đó, tạm chấp nhận với những gì đang có của pháp luật Việt Nam dành cho hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung để đi tìm khuôn khổ pháp lý và chia sẻ vài suy nghĩ bước đầu về hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài (International Franchise Agreement)[3] dưới giác độ pháp luật Việt Nam chính là mục tiêu của bài viết này.

1. Đôi nét về hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung

Như “cây phải có gốc”, bàn luận về hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài rõ ràng và dứt khoát phải trên cái nền hiểu biết về hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung. Trong bối cảnh mà quan niệm về nhượng quyền thương mại, hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam vẫn còn nhiều khác biệt và mới mẻ thì lẽ dĩ nhiên cũng nên khởi đầu bằng những suy nghĩ mang tính cốt lõi về loại hợp đồng này. Với sự xuất hiện ở Mỹ từ những năm 1850 và bắt đầu lan rộng từ năm 1980 thì những định nghĩa về nhượng quyền thương mại, hợp đồng nhượng quyền thương mại dĩ nhiên cũng hết sức đa dạng[4]. Trong khi đó, cho dù nhượng quyền thương mại đã “chớm nở” từ năm 1990 ở Việt Nam với sự xuất hiện thậm chí của những nhà nhượng quyền nội địa như Cà phê Trung Nguyên (1996), AQ Silk (2002)… nhưng dưới góc độ pháp lý thì phải sau một thời gian náu mình với cái tên “cấp phép đặc quyền kinh doanh”[5] nhượng quyền thương mại mới chính thức được thừa nhận trong Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 (LTMVN 2005). Đáng tiếc rằng, dù Điều 285 LTMVN 2005 đã có được cái tên là “hợp đồng nhượng quyền thương mại” và tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định 35) đã có hai định nghĩa khá rõ về “hợp đồng phát triển quyền thương mại” và “hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp” nhưng rốt cuộc nội dung của Điều 285 chỉ nói về hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại. Dẫu vậy, dựa vào định nghĩa về hoạt động nhượng quyền thương mại tại Điều 284 LTMVN 2005 và các quy định pháp luật liên quan có thể gián tiếp rút ra quan niệm về hợp đồng nhượng quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam như sau:

“Hợp đồng nhượng quyền thương mại là thỏa thuận giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, trong đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau:

1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền được nhận một khoản tiền nhượng quyền, có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.

Nếu tham khảo định nghĩa của pháp luật các nước, các hiệp hội, các nhà khoa học trên thế giới và thực tiễn của hoạt động nhượng quyền thương mại thì có thể nhận ra cách quan niệm của Việt Nam chưa thực sự lột tả hết nội dung của loại hợp đồng này. Điều dễ nhận ra nhất là đối tượng của hợp đồng này có thể còn bao hàm nhiều đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ khác chứ không chỉ là một vài đối tượng được chỉ ra tại Điều 284. Chẳng hạn, tại sao đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại không thể gồm cả nhãn hiệu dịch vụ mà chỉ là nhãn hiệu hàng hóa?

Bỏ qua những hạn chế về quan niệm của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động nhượng quyền thương mại, hợp đồng nhượng quyền thương mại, cũng cần nhận diện chủ thể, hình thức và nội dung của loại hợp đồng này theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Về chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại, quy định của LTMVN 2005 và Nghị định 35 cho thấy để trở thành chủ thể của loại hợp đồng này thì trước hết phải là thương nhân (thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài). Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam còn đòi hỏi các điều kiện kèm theo đối với chủ thể nhượng quyền và nhận quyền. Cụ thể là thương nhân nhượng quyền phải hội đủ các điều kiện như[6]: thứ nhất, hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động được ít nhất 01 năm (nếu thương nhân Việt Nam là bên nhận quyền sơ cấp từ bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại); thứ hai, đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trong khi đó, điều kiện đối với bên nhận quyền là phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với hoạt động nhượng quyền thương mại.

Về hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại, Điều 285 LTMVN 2005 quy định hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản gồm có điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Dù pháp luật Việt Nam không đưa ra một định nghĩa cụ thể về hợp đồng nhượng quyền thương mại, nhưng cũng đã khuyến cáo những nội dung cần có của hợp đồng này, đó là[7]: nội dung của quyền thương mại; quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền; quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền; giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán; thời hạn hiệu lực của hợp đồng; gia hạn, chấp dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Cũng với những quy định từ Nghị định 35 thì một trong những vấn đề then chốt của nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại đã được đề cập – đối tượng của hợp đồng. Theo đó, đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại là “quyền thương mại” và nội hàm của quyền thương mại được xác định bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau[8]:

a) Quyền được Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ theo một hệ thống do Bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền;

b) Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung[9];

c) Quyền được Bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho Bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng nhượng quyền thương mại chung;

d) Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại.

Trong đó, cần thấy rằng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì không phải bất kỳ loại hàng hóa, dịch vụ nào cũng được phép tiến hành nhượng “quyền thương mại”. LTMVN 2005 và Nghị định 35 quy định hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại phải là hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.

2. Hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài

Tìm về nội hàm khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài

Khi mà định nghĩa về hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung không tồn tại, thì đương nhiên việc pháp luật Việt Nam không chỉ rõ thế nào là hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài cũng là điều dễ hiểu! Đặt trong bối cảnh hợp đồng nhượng quyền thương mại là một loại hợp đồng thương mại, Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (BLDSVN 2005) chính thức được xây dựng với vai trò là một “đạo luật mẹ” bao trùm cả về thương mại, lao động, hôn nhân gia đình thì hoàn toàn có thể vận dụng Điều 758 BLDSVN 2005 quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài để làm rõ nội hàm khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài. Điều đầu tiên dễ nhận ra đó là để trở thành một hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài thì: thứ nhất, phải là hợp đồng nhượng quyền thương mại; và thứ hai, phải có yếu tố nước ngoài. Nếu theo quy định mang tính chung cho mọi quan hệ dân sự thì yếu tố nước ngoài có thể rơi vào chủ thể, sự kiện pháp lý hoặc đối tượng của quan hệ. Liệu điều đó có xảy ra với hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài? Trước hết, về chủ thể, hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ có yếu tố nước ngoài khi có sự tham gia của ít nhất một trong các bên chủ thể là thương nhân nước ngoài. Với quy định tại khoản 1 Điều 16 LTMVN 2005 thì thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận. Theo đó, hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa Cà phê Trung Nguyên với Daisu Corporation (Nhật Bản) năm 2001, giữa AQ Silk với một thương nhân Mỹ vào năm 2002,… đều là những hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài. Về sự kiện pháp lý của quan hệ, nếu theo Điều 758 BLDSVN 2005 thì hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ có yếu tố nước ngoài khi sự kiện xác lập, sự kiện thay đổi hoặc sự kiện chấm dứt quan hệ nhượng quyền thương mại diễn ra ở nước ngoài. Trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại. Chẳng hạn, hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa Phở 24 cho các bên nhận quyền là thương nhân Việt Nam nhưng hợp đồng được ký ở Singapore thì hợp đồng nhượng quyền thương mại đó cũng được coi là có yếu tố nước ngoài… Nhưng với trường hợp đối tượng của hợp đồng có yếu tố nước ngoài, mà theo như Điều 758 là “tài sản liên quan đến quan hệ nằm ở nước ngoài”, thì liệu có xảy ra đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài? Như đã phân tích ở trên, đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại là “quyền thương mại”, dĩ nhiên đã là quyền thì thuộc về “tài sản vô hình” – nghĩa là không thể xác định được nó đang ở đâu. Vì lẽ đó, không thể xảy ra tình huống hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài xuất phát từ việc đối tượng của nó có yếu tố nước ngoài. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, một hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ có yếu tố nước ngoài khi xuất hiện một trong các yếu tố sau: thứ nhất, chủ thể của hợp đồng có sự tham gia của thương nhân nước ngoài; thứ hai, khi sự kiện xác lập hoặc sự kiện thay đổi hoặc sự kiện chấm dứt hợp đồng diễn ra ở nước ngoài.

Vấn đề chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài

Xem xét về hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài trước hết cần xác định chủ thể của nó cần thỏa mãn những điều kiện gì. Điều này không hề đơn giản, bởi lẽ nó phụ thuộc vào từng hệ thống pháp luật của mỗi nước. Theo pháp luật Việt Nam, vấn đề năng lực chủ thể của hợp đồng nói chung được xác định theo Điều 761, Điều 762 (dành cho cá nhân) và Điều 765 BLDSVN 2005 (dành cho pháp nhân). Tuy nhiên, cần lưu ý là khác với hợp đồng nói chung, đối với năng lực chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài thì Nghị định 35 đã quy định rõ điều kiện dành cho thương nhân nhượng quyền và thương nhân nhận quyền dù đó là thương nhân Việt Nam hay thương nhân nước ngoài[10]. Theo đó thì chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài cũng cần thỏa mãn các điều kiện giống như chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung (đã nói ở phần trên).

Hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài

Do Nghị định 35 xác định đối tượng áp dụng là cả thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài tham gia vào hoạt động nhượng quyền nên rõ ràng các quy định về hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung được hiểu là dành cho cả hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài. Nghĩa là hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Tham khảo thêm Điều 12 Nghị định 35 thì Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận”. Như vậy, về nguyên tắc mọi hợp đồng nhượng quyền thương mại trong đó bao hàm cả hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài phải được lập bằng văn bản dưới ngôn ngữ là tiếng Việt. Duy chỉ có trường hợp đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài mà bên nhượng quyền là thương nhân Việt Nam và bên nhận quyền là thương nhân nước ngoài thì ngôn ngữ có thể theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên.

Nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài

Về vấn đề này, Điều 11 Nghị định 35 quy định Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:…”. Nghĩa là pháp luật thương mại Việt Nam không ấn định hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng để xác định tính hợp pháp về mặt nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài. Quy định này chỉ cho thấy một điều rõ ràng là các bên chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài hoàn toàn có quyền thỏa thuận lựa chọn hệ thống pháp luật của một nước nào đó sẽ được áp dụng để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể. Khi mà pháp luật chuyên ngành không quy định trực tiếp và cũng không đề cập đến luật áp dụng để điều chỉnh thì việc xem xét luật áp dụng để điều chỉnh nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài dĩ nhiên được vận dụng theo trường hợp như hợp đồng dân sự nói chung – nghĩa là theo Điều 769 BLDSVN 2005[11]. Cụ thể là nội dung của hợp đồng sẽ được xác định theo pháp luật của nước mà các bên chủ thể thỏa thuận áp dụng. Nếu các bên chủ thể không thỏa thuận pháp luật áp dụng thì nội dung hợp đồng sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng. Đặt tình huống pháp luật được áp dụng để điều chỉnh nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại là pháp luật Việt Nam thì với quy định của Điều 11 Nghị định 35 cho thấy rằng pháp luật Việt Nam cũng chỉ “gợi mở” một số điều khoản nên đưa vào nội dung hợp đồng (như đã đề cập tại phần hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung ở trên) mà không mang tính bắt buộc các bên chủ thể. Căn cứ vào tinh thần của các Điều 4, Điều 122 BLDSVN 2005 thì theo pháp luật Việt Nam, nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung, trong đó có hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài sẽ được coi là hợp pháp nếu không vi phạm các điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội Việt Nam.

Vấn đề cơ quan giải quyết tranh chấp và luật áp dụng cho hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài

Khác với hợp đồng nhượng quyền thương mại trong nước, hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài hoàn toàn có thể được giải quyết bởi cơ quan tài phán nước ngoài và hoàn toàn có khả năng bị chi phối bởi hệ thống pháp luật nước ngoài và các điều ước quốc tế có liên quan. Những gì đã bàn ở trên về chủ thể, hình thức hay nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài chỉ dưới giác độ pháp luật Việt Nam hiện hành. Do vậy, chúng chỉ đúng khi pháp luật Việt Nam được áp dụng. Trong khi pháp luật Việt Nam có được áp dụng hay không lại lệ thuộc vào cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc cũng như vấn đề luật áp dụng đối với hợp đồng? Vì thế, lưu tâm đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và vấn đề luật áp dụng chính là điều tối quan trọng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, trong đó có hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Tầm quan trọng của vấn đề lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp? Cho dù khi tranh chấp xảy ra thì lúc đó các bên mới nghĩ tới chuyện cơ quan tài phán, nhưng với hợp đồng có yếu tố nước ngoài nói chung thì cơ quan tài phán nước nào có thẩm quyền giải quyết lại đóng vai trò quan trọng cho vấn đề luật áp dụng – cũng có nghĩa là tới kết quả phán quyết sau này. Lý do cơ bản là bởi nếu không có điều ước quốc tế có liên quan điều chỉnh thì cơ quan tài phán nước nào sẽ sử dụng ngay hệ thống pháp luật nước đó để xem xét các vấn đề của hợp đồng. “Sử dụng ngay” ở đây không nên đồng nhất với việc cuối cùng cơ quan tài phán sẽ áp dụng các quy định cụ thể của pháp luật nước đó (trong tư pháp quốc tế gọi là các quy định của pháp luật thực chất) để giải quyết tranh chấp. Điều này chỉ đúng khi trong pháp luật nước đó có quy phạm thực chất trực tiếp điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài (ví dụ trường hợp hình thức hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể như đã nói ở trên). Còn nếu pháp luật nước đó sử dụng quy phạm xung đột (ví dụ vấn đề nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài quy định trong pháp luật Việt Nam như đã đề cập ở trên) thì “sử dụng ngay” chỉ là “sử dụng quy phạm xung đột của pháp luật nước đó”, rốt cuộc pháp luật thực chất nước nào sẽ được áp dụng thì lại phụ thuộc vào sự chỉ dẫn của quy phạm xung đột được áp dụng ấy. Nhưng rõ ràng với việc “sử dụng ngay” pháp luật của nước có cơ quan tài phán thụ lý vụ việc cho thấy tầm quan trọng lớn lao của việc chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Bởi lẽ nó quyết định tới số phận của việc áp dụng pháp luật thực chất nước nào để điều chỉnh hợp đồng. Pháp luật Việt Nam hiện hành không đưa tranh chấp về hợp đồng nhượng quyền thương mại vào diện thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam. Do vậy, tranh chấp về hợp đồng này hoàn toàn có thể được giải quyết bởi cơ quan trọng tài, tòa án nước ngoài. Đây chính là điều đáng lưu tâm cho các thương nhân Việt Nam khi thực hiện việc nhận hay nhượng quyền thương mại. Giải pháp dành cho họ trong bối cảnh hiện nay và chắc hẳn còn cho nhiều năm tới nữa chính là thỏa thuận rõ cơ quan tài phán phù hợp trong hợp đồng – hay nhất có lẽ vẫn là trọng tài hoặc tòa án Việt Nam. Đó sẽ là sự thuận lợi lớn cho các thương nhân Việt Nam khi phải đối mặt với các tranh chấp xét trên hai phương diện cơ bản: chi phí và sự am hiểu luật pháp.

Đối với việc lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng, về nguyên tắc các bên chủ thể có quyền thỏa thuận những gì mà pháp luật không cấm. Như đã nói ở trên, “pháp luật không cấm” ở đây sẽ là pháp luật của nước có cơ quan tài phán thụ lý vụ việc nếu như không có điều ước quốc tế về vấn đề này. Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng như hầu hết pháp luật các nước trên thế giới và các điều ước quốc tế đều cho phép các bên chủ thể của đa số hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài trong đó có hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài được quyền thoả thuận luật áp dụng cho nội dung hợp đồng. Vì thế, pháp luật thực chất được áp dụng để điều chỉnh nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ không còn bị “lệ thuộc” vào sự lựa chọn cơ quan tài phán nếu như các bên chủ thể đã thỏa thuận rõ trong hợp đồng về vấn đề này. Để minh bạch hóa mọi nội dung của hợp đồng, tránh những tình huống pháp lý khó xử cho chính mình trong bối cảnh vẫn còn nhiều hạn chế về sức mạnh kinh tế, về hiểu biết pháp lý quốc tế trong tính so sánh với các thương nhân nước ngoài, thiết nghĩ cố gắng để đạt được sự thống nhất trong việc lựa chọn hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc ít nhất là một hệ thống pháp luật mà mình có khả năng tiếp cận sẽ là một việc làm thông minh cho giới thương nhân Việt Nam.


[1] ThS. Nguyễn Bá Bình, giảng viên, thư ký Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Luật Hà Nội.

[2] xem thêm bài “Nhượng quyền thương mại – một số vấn đề về bản chất và về mối quan hệ với hoạt động li-xăng, hoạt động chuyển giao công nghệ”, ThS. Nguyễn Bá Bình, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2/2006.

[3] cũng có thể gọi là hợp đồng nhượng quyền thương mại quốc tế.

[4] xem thêm Luận văn thạc sỹ luật học của Nguyễn Thị Minh Huệ “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam” – ĐH Luật Hà Nội, 2005.

[5] Văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên ghi nhận nhượng quyền thương mại dưới tên gọi “hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh (franchise)” là Thông tư 1254/1999/TT-BKHCNMT do Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường (nay là Bộ Khoa học và công nghệ) ban hành ngày 12/07/1999 hướng dẫn Nghị định 45/1998/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển giao công nghệ. Tiếp đó, với cái tên “cấp phép đặc quyền kinh doanh” nhượng quyền thương mại lại được đề cập tại Nghị định 11/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 02/02/2005 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ (Nghị định 11 này thay thế cho Nghị định 45 nói trên).

[6] xem Điều 5, 6 Nghị định 35.

[7] Điều 11 Nghị định 35.

[8] xem khoản 6 Điều 3 Nghị định 35.

[9] “Quyền thương mại chung” là quyền do Bên nhượng quyền trao cho Bên nhượng quyền thứ cấp được phép cấp lại quyền thương mại cho các Bên nhận quyền thứ cấp. Bên nhận quyền thứ cấp không được phép cấp lại quyền thương mại chung đó nữa.

[10] Khoản 1 Điều 2 Nghị định 35 đã quy định về đối tượng áp dụng như sau: “Nghị định này áp dụng đối với thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài tham gia vào hoạt động nhượng quyền thương mại”.

[11] Dù rằng bài viết này xem xét hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài dưới giác độ pháp luật Việt Nam, nhưng cũng cần lưu ý rằng pháp luật Việt Nam chỉ được áp dụng nếu các Điều ước quốc tế (ví dụ các Hiệp định tương trợ tư pháp) mà Việt Nam là thành viên không có quy định khác về vấn đề này.

3 bình luận to “Hợp đồng nhượng quyền thương mại quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam”

  1. Diep Thanh Thu said

    Em chao thay, em cung moi tim hieu ve khai niem “franchise” nen con rat nhieu dieu chua biet. Thua thay, em muon hoi la lieu rang mot doanh nghiep 100% von nuoc ngoai, duoc thanh lap tai Vietnam, co duoc coi la “thuong gia nuoc ngoai” khong a? Va doanh nghiep 100% von dau tu nuoc ngoai thanh lap tai Vietnam nhu vay co duoc phep tham gia hoat dong nhuong quyen khong a? Vi du nhu cong ty ban em la mot cong ty 100% von dau tu Han Quoc, thanh lap tai Vietnam. Ho co du dinh nhan nhuong quyen tu mot cong ty Han Quoc khac o Han Quoc. Nhu vay co duoc phap luat Vietnam cho phep khong a?

    Em rat mong nhan duoc hoi dap cua thay. Em cam on thay rat rat nhieu a!

    Diep Thanh Thu.

    • Trả lời em vắn tắt như sau (không dẫn nguồn luật):
      Câu 1: DN 100% vốn nước ngoài được thành lập tại VN thì được coi là “thương nhân VN”.
      Câu 2: Để xem Cty bạn em có được nhận nhượng quyền hay không thì phải xem xét 3 vấn đề:
      1. Hàng hóa, dịch vụ được nhượng quyền có thuộc danh mục cấm, hạn chế, kinh doanh có điều kiện của VN hay không?
      2. Cty bạn em đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nào (thì chỉ đc nhận nhượng quyền trong lĩnh vực đó)?
      3. Hàng hóa liên quan đến đối tượng nhượng quyền có thuộc danh mục những mặt hàng mà Cty bạn em được phân phối theo cam kết quốc tế của VN hay không?

  2. NN said

    Dạ chào thầy, em đã đọc hết bài viết của thầy và thấy bài này khá là hay… tuy nhiên sau khi đọc xong em cũng xin được “mạo muội” góp ý với thầy ở 2 điểm trong bài viết này như sau:
    – Thứ 1: tại mục số 2 của bài viết thầy có viết 1 đoạn này: “Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (BLDSVN 2005) chính thức được xây dựng với vai trò là một “đạo luật mẹ” bao trùm cả về thương mại, lao động, hôn nhân gia đình thì hoàn toàn có thể vận dụng Điều 758 BLDSVN 2005 quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài để làm rõ nội hàm khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài” —> nếu viết như vậy làm cho người đọc rất dễ gây hiểu lầm rằng BLDS Việt nam sẽ được đương nhiên áp dụng với HĐ NQTM trong mọi trường hợp, nhưng trên lý luận thì ko phải như vậy.

    – Thứ 2: cũng tại mục 2 của bài viết có một đoạn: “Duy chỉ có trường hợp đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài mà bên nhượng quyền là thương nhân Việt Nam và bên nhận quyền là thương nhân nước ngoài thì ngôn ngữ có thể theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên”. —> Theo em thì vấn đề ngôn ngữ trong hợp đồng được xác định theo biên giới lãnh thổ mà hoạt động nhượng quyền được thực hiện (suy ra từ Luật Thương mại việt nam ) chứ ko xác định theo chủ thể của hoạt động này. nếu trường hợp bên nhượng quyền là thương nhân việt nam nhượng quyền cho một thương nhân nước ngoài nhưng thực hiện hoạt động nhượng quyền tại việt nam (ví dụ chi nhánh của thương nhân nước ngoài đặt tại việt nam và thực hiên hoạt động kinh doanh nhượng quyền tại việt nam)

Gửi phản hồi cho Nguyen Ba Binh Hủy trả lời